Video
Video Bí thư tỉnh ủy về thăm và làm việc
Đại hội Công đoàn
Bộ trưởng LĐ TBXH thăm và làm việc tại trường
Tổ chức đón chào HSSV

KỶ NIỆM 70 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7-5-1954/7-5-2024) – Chiến thắng Điện Biên Phủ – Mốc son lịch sử

Thứ hai - 06/05/2024 11:28 193 0
​Cách đây 70 năm, từ ngày 13-3 đến 7-5-1954, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiến hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, làm nên chiến thắng “chấn động địa cầu”, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Nhân kỷ niệm 70 năm sự kiện đặc biệt này, Báo Quân đội nhân dân mở Chuyên mục “Chiến thắng Điện Biên Phủ-Mốc son lịch sử”.
  
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp quyết định mở Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và căn dặn: “Trận này hết sức quan trọng, đánh là phải thắng, nếu không chắc thắng, không đánh”
Thực hiện kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, Hội nghị Bộ Chính trị (họp ngày 6-12-1953) đã thông qua quyết tâm của Tổng Quân ủy: “Tập trung đại bộ phận chủ lực tinh nhuệ mở chiến dịch tiến công tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ”. Để thực hiện quyết tâm trên, sau khi tính toán kỹ lưỡng, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định thay đổi phương châm tác chiến ban đầu từ đánh nhanh, giải quyết nhanh sang đánh chắc, tiến chắc; cách đánh tập trung ưu thế binh hỏa lực đánh từng trận hay một số trận gối đầu liên tiếp, diệt từng cứ điểm, cụm cứ điểm ngoại vi, “bóc vỏ” từ ngoài, mở đường tiến vào cánh đồng Mường Thanh. Với cách đánh này, Bộ chỉ huy chiến dịch chọn Him Lam là mục tiêu mở đầu. Đại đoàn 312 (thiếu Trung đoàn 165) được tăng cường 2 đại đội sơn pháo 75mm, 2 đại đội cối 120mm… có nhiệm vụ tiến công Him Lam, mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ; quá trình chiến đấu được 2 đại đội lựu pháo 105mm trực tiếp chi viện.
Bộ Tổng tư lệnh họp bàn kế hoạch tác chiến Đông – Xuân 1953 – 1954
Các đơn vị nhận nhiệm vụ triển khai kế hoạch tác chiến Đông – Xuân 1953 – 1954
 
17 giờ ngày 13-3-1954, pháo binh ta thực hành hỏa lực chuẩn bị đạt hiệu quả cao, tạo điều kiện cho các lực lượng tiến công của Đại đoàn 312 cơ động chiếm lĩnh trận địa xuất phát xung phong. 18 giờ 30 phút, ta bắt đầu mở cửa. Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141 tiến công hướng chủ yếu, tiêu diệt Cứ điểm 1 (102); Tiểu đoàn 428 tiến công hướng thứ yếu, tiêu diệt Cứ điểm 2 (101A). Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209 tiến công Cứ điểm 3 (101B). Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, nhất là hướng chủ yếu của Trung đoàn 141. Đến 23 giờ 30 phút, trung tâm đề kháng Him Lam của địch hoàn toàn bị tiêu diệt, 270 tên bị bắt sống, Tiểu đoàn lê dương 3 bị loại khỏi vòng chiến đấu.
Ảnh trái: Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa lần cuối cùng trước khi phát lệnh nổ súng mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ. 
Ảnh phải: 17 giờ 05 phút ngày 13-3-1954, Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ra lệnh nổ súng tấn công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ
Thắng lợi Him Lam để lại bài học quý về nghệ thuật mở đầu chiến dịch tiến công, nhất là chọn mục tiêu mở đầu chiến dịch.
Ban đầu, Bộ chỉ huy chiến dịch xác định phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh” với cách đánh tập trung ưu thế binh lực, hỏa lực đột phá chủ yếu từ phía Tây đánh thẳng vào trung tâm Mường Thanh, đồng thời từ phía Đông giáp công. Với phương châm, cách đánh này, mục tiêu mở đầu chiến dịch có thể chọn là một hoặc một số cứ điểm trên hướng tiến công chủ yếu từ phía Tây (311, 106) hoặc thứ yếu từ phía Đông (D1, C1, A1) vào Phân khu trung tâm.
Do địch tăng cường phòng ngự, ta gặp khó khăn trong công tác chuẩn bị, nhất là kéo pháo vào trận địa nên Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển sang phương châm “đánh chắc, tiến chắc”, cách đánh “bóc vỏ” từ ngoài vào trong, tiêu diệt từng trung tâm đề kháng tiến tới tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Ta xác định tiến công từ hướng Bắc, Đông Bắc vào trung tâm Mường Thanh và chọn Him Lam, Độc Lập là những mục tiêu mở đầu. Lúc đầu, ta chủ trương đánh cả Him Lam và đồi Độc Lập trong một đêm, sau đó sẽ tiêu diệt địch ở Bản Kéo. Sau khi cân nhắc, nhất là về khả năng pháo đạn chi viện cho bộ binh tiến công, ta quyết định tiến công Him Lam trước, rồi đánh Độc Lập vào đêm hôm sau để bảo đảm chắc thắng.
Ảnh trái: 21.000 xe đạp thồ, 261.500 dân công cùng các loại ô tô, tàu, thuyền, lừa, ngựa… ngày đêm vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược lên mặt trận Điện Biên Phủ. Sự đóng góp to lớn của lực lượng dân công, đảm bảo hậu cần cho chiến dịch là một trong những nguyên nhân chính làm nên chiến thắng. 
Ảnh phải: Bộ đội ta kéo những khẩu pháo nặng hàng chục tấn vượt núi, xuyên rừng vào chiến trường Điện Biên Phủ
Bộ đội hành quân lên Tây Bắc tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954
 
Chọn Him Lam làm mục tiêu mở đầu còn xuất phát từ vai trò trọng yếu của cụm cứ điểm này. Trung tâm đề kháng Him Lam là vị trí phòng ngự đột xuất của địch trên Đường 41, con đường huyết mạch tiến vào Phân khu trung tâm từ hướng Đông Bắc. Đây là địa hình có giá trị, gồm 5 điểm cao ở bình độ 500m, khống chế khu vực rộng lớn xung quanh; cùng với sông Nậm Rốm ở phía Bắc như một vật cản tự nhiên, thuận lợi cho phòng ngự. Xác định Đông Bắc là hướng tiến công chính của bộ đội ta nên địch huy động tối đa xây dựng Him Lam thành cụm cứ điểm kiên cố nhất, “cánh cửa thép” bảo vệ Mường Thanh. Cùng với Độc Lập, Bản Kéo tạo thành hệ thống phòng thủ vòng ngoài ngăn chặn ta từ xa. Giữ vững Him Lam trước các đợt tiến công của ta là biểu hiện đầu tiên chứng minh sức mạnh “bất khả xâm phạm” của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mà cả Pháp và Mỹ bỏ nhiều công sức xây dựng. Nhưng nếu để mất Him Lam thì Mường Thanh sẽ chẳng khác gì căn nhà bị mở toang cửa, hệ thống phòng thủ của chúng bị vỡ một mảng lớn vòng ngoài.
Đối với ta, Điện Biên Phủ là chiến dịch tiến công địch phòng ngự trong công sự kiên cố quy mô lớn nhất kể từ khi bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với nhiều lực lượng tham gia nên cụm cứ điểm Him Lam trên Đường 41 từ Tuần Giáo đi Mường Thanh là trở ngại lớn. Tiêu diệt được Him Lam, ta tạo được thế uy hiếp trực tiếp các mục tiêu còn lại của Phân khu trung tâm (nhất là sở chỉ huy địch ở Mường Thanh) ở cự ly gần; chia cắt Phân khu Bắc và Phân khu trung tâm, tạo điều kiện thuận lợi tiêu diệt các cụm cứ điểm án ngữ phía Bắc; mở thông đường Tuần Giáo đi Mường Thanh để cơ động lực lượng, triển khai đội hình tiến công và vận chuyển khối lượng lớn vật chất bảo đảm cho chiến dịch theo tuyến đường này.
Ảnh 1: Đại đội trưởng đại đội chủ công của Đại đoàn 312 nhận cờ Quyết Thắng trước khi đánh cứ điểm Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 13-3-1954. Ảnh: TTXVN
Ảnh 2: Chiều 13-3-1954, hàng chục khẩu pháo của ta đồng loạt nhả đạn lên các vị trí của Pháp trên đồi Him Lam, mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, toàn bộ Trung tâm đề kháng Him Lam, một trong những cụm cứ điểm mạnh nhất của Pháp nằm ở phía Đông Bắc của tập đoàn cứ điểm bị ta tiêu diệt hoàn toàn. Ảnh: TTXVN
Ảnh 3: Các chiến sĩ xung kích lợi dụng địa hình, địa vật tiến sát các vị trí của địch trên đồi Him Lam và tiêu diệt địch ở cứ điểm này ngay trong ngày 13-3-1954 – ngày mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: TTXVN
Chọn Him Lam làm mục tiêu mở đầu là kết quả phân tích, đánh giá chính xác những điểm yếu chí tử của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ nói chung và Him Lam nói riêng. Phân tích khả năng phòng ngự của địch ở Điện Biên Phủ, Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ ra hai nhược điểm “chết người” của “con nhím” này: Một là, tính cứng nhắc và thụ động của hệ thống phòng ngự bằng tập đoàn cứ điểm. Đó là một kết cấu chặt chẽ của nhiều cứ điểm, nhưng thực tế vẫn là những cứ điểm tách rời. Khi bị tấn công, từng cứ điểm phải sử dụng lực lượng của bản thân đối phó là chủ yếu. Điều này cho phép ta tập trung sức mạnh tiêu diệt từng cứ điểm. Hai là, Điện Biên Phủ bị cô lập giữa vùng rừng núi ta đã giải phóng, xa hậu phương địch, việc tăng viện và tiếp tế phải dựa vào đường không. Nếu ta khống chế hoặc cắt đứt đường không, “con nhím” này sẽ nhanh chóng mất sức chiến đấu. Việc khống chế sân bay Mường Thanh, cắt tiếp tế đường không của địch là nhiệm vụ nằm trong khả năng của chiến dịch.
Him Lam là cụm cứ điểm mạnh do Tiểu đoàn 3 thuộc Lữ đoàn lê dương 13 phòng giữ, gồm 3 cứ điểm vững chắc. Ở từng cứ điểm, lô cốt và chiến hào được xây dựng kiên cố, có sự bao bọc của 4 đến 6 hàng rào dây thép gai xen kẽ các bãi mìn rộng từ 100 đến 200m. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy chiến dịch vẫn quyết định chọn Him Lam để mở màn chiến dịch vì nhận thấy cụm cứ điểm này tồn tại điểm yếu không thể khắc phục. Đó là một vị trí đột xuất, nằm cách Phân khu trung tâm 2,5km. Khoảng cách này cho phép ta tập trung sức mạnh cần thiết, cô lập Him Lam trong một thời gian nhất định để tiêu diệt. Nếu trận đánh kết thúc trong đêm, khả năng tăng viện của địch từ Phân khu trung tâm hoặc các cứ điểm lân cận có thể loại trừ. Thực tiễn đã chứng minh nhận định, quyết tâm đánh Him Lam để mở đầu chiến dịch là chính xác. Đánh thắng trận mở đầu, nhanh chóng tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam trong đêm 13-3 chỉ sau hơn 5 giờ chiến đấu đã mở đường cho quân ta đánh chiếm toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Nguồn:  Báo Quân đội nhân dân điện tử

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Tổng cục dạy nghề
Bộ NN&PTNT
face
Thăm dò ý kiến

Cảm nhận về chất lượng đào tạo?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay8,981
  • Tháng hiện tại127,863
  • Tổng lượt truy cập8,249,035
Khai giảng năm học 2023-2024
Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tháng 11/2023
Giới thiệu về trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hoá
Đoan công tác Ban cán sự Đảng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội làm việc tại Thanh Hoá
Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa phối hợp đào tạo chứng chỉ thuyền trưởng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây