Muốn phát triển giáo dục một cách toàn diện đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, một trong những điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất là phải chú trọng đến phát triển kinh tế – xã hội. Thực hiện tốt công tác dân tộc chính là để góp phần phát triển giáo dục.
Tăng cường công tác phát triển giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số. (Ảnh minh họa)
TỪ CHỦ TRƯƠNG, ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG
Chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc nói chung và về phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi nói riêng từ thời kỳ đổi mới đến nay được thể hiện rõ qua văn kiện các kỳ Đại hội và chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Đảng; mang tính toàn diện, đồng thời được sửa đổi, bổ sung cụ thể trong từng nhiệm kỳ, từng giai đoạn, phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội. Nội dung cơ bản thống nhất là: “Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp nhau cùng phát triển, cùng nhau thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh với mọi âm mưu chia rẽ dân tộc. Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và an ninh – quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất”(1).
Trải qua mỗi kỳ Đại hội, trên cơ sở những thành tựu lý luận và thực tiễn đã đạt được, các văn kiện của Đảng về giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) ngày càng chú trọng hơn tới tính vùng miền trong đề xuất chủ trương, bám sát thực tiễn phát triển giáo dục nhằm đề ra các quyết sách phù hợp, bảo đảm hiệu quả, khả thi trong quá trình triển khai.
Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã khẳng định: “Ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa và các đối tượng chính sách…”.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thêm một bước cụ thể hoá sâu sắc hơn: “Đảm bảo các dân tộc bình đẳng, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển. Huy động phân bổ, sử dụng, quản lý hiệu quả các nguồn lực để đầu tư phát triển, tạo sự chuyển biến căn bản về kinh tế, văn hoá, xã hội ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc. (…). Nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(2). Đối với phát triển giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi, Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh: “Quan tâm thích đáng đến phát triển giáo dục ở miền núi, vùng cao, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”(3) ; “có chính sách đầu tư đặc thù cho vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số”(4) .
Các bộ, ngành Trung ương đã tham mưu Chính phủ ban hành nhiều văn bản cụ thể hóa chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác GD-ĐT đối với đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên nhiều phương diện khác nhau. Đồng thời, thường xuyên rà soát, điều chỉnh, sửa đổi các chính sách cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Cụ thể như: chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vùng DTTS và miền núi; chính sách đối với học sinh, sinh viên; chính sách đầu tư, hỗ trợ về cơ sở vật chất; chính sách phát triển hệ thống trường chuyên biệt; chính sách cử tuyển và phát triển nguồn nhân lực; chính sách về dạy tiếng, chữ DTTS; chính sách về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và xây dựng xã hội học tập…
Tổng số văn bản chính sách được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành đã và đang áp dụng, bao gồm: 38 văn bản, trong đó có 24 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 12 Nghị định, 01 Nghị quyết và 01 Chỉ thị. Quốc hội cũng đã ban hành Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 ngày 14/6/2019 có hiệu lực vào năm 2020, thay thế các văn bản Luật Giáo dục trước (Luật số 38/2005/QH11; Luật 44/2009/QH12; Luật 74/2014/QH13; Luật 97/2015/QH13). |
ĐẾN MỘT SỐ KẾT QUẢ TRONG THỰC TIỄN
Công tác tuyên truyền và tổ chức học tập, quán triệt.
Ngay sau khi Đảng và Nhà nước ban hành chủ trương, đường lối và chính sách về phát triển giáo dục đối với vùng đồng bào DTTS, các bộ, ngành có liên quan ở Trung ương và Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy đã tiến hành tham mưu cấp ủy cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch học tập, quán triệt. Các tỉnh, thành ủy, cấp ủy đảng, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị – xã hội tổ chức phổ biến, quán triệt đến các tổ chức đảng; xây dựng chương trình hành động. Các tỉnh, thành ủy chỉ đạo cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến nội dung đến cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Nhìn chung, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và tổ chức đoàn thể đã tích cực triển khai thực hiện công tác tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức sinh hoạt chính trị, các phương tiện trực quan; lồng ghép vào các hoạt động văn hoá, văn nghệ; thông tin tuyên truyền lưu động; tham quan; hoạt động cộng đồng, câu lạc bộ; tuyên truyền miệng…
Các hình thức tuyên truyền được tiến hành phù hợp với đặc điểm tình hình của từng nhóm đối tượng trên cơ sở đảm bảo sự đồng thuận, nhất quán với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Qua đó tạo nên phong trào hành động cách mạng quần chúng sôi nổi; đa số các chủ trương, chương trình, đề án đổi mới giáo dục được nhân dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng mạnh mẽ.
Ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp.
Đảng đoàn Quốc hội đã tích cực chỉ đạo xây dựng các bộ luật, làm cơ sở để Chính phủ và các bộ, ngành triển khai đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển giáo dục vùng đồng DTTS.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều nghị định, quyết định có liên quan để chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tích cực thực hiện; các bộ, ngành có liên quan ban hành nhiều văn bản quan trọng đôn đốc các đơn vị, cơ quan, địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp.
Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Khuyến học Việt Nam luôn tích cực phối hợp với ngành giáo dục, ngành lao động đề ra những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế và chức năng, nhiệm vụ.
Hầu hết các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã chủ động ban hành nghị quyết, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra; thành lập Ban Chỉ đạo; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù của địa phương nhằm chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo đảm những điều kiện cần thiết cho công tác phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS.
Công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết.
Hàng năm, Ban Tuyên giáo Trung ương đều ban hành Hướng dẫn công tác khoa giáo, hướng dẫn các địa phương triển khai nghị quyết, chỉ thị của Đảng về phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS.
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị được tiến hành thường xuyên. Ban Tuyên giáo Trung ương chú trọng, tăng cường chủ trì, phối hợp với Ban Cán sự đảng Bộ GD-ĐT, Ban Cán sự đảng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức các đoàn liên ngành kiểm tra đại diện các địa phương theo vùng, miền. Các tỉnh, thành ủy – nòng cốt là ngành Tuyên giáo và ngành Giáo dục – thường xuyên phối hợp với các cấp, ngành, tổ chức chính trị – xã hội ở địa phương có liên quan đôn đốc, kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển giáo dục vùng đồng bào DTTS.
Công tác sơ kết, tổng kết được các bộ, ngành Trung ương có liên quan và các tỉnh, thành ủy tổ chức thực hiện nghiêm túc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục đối với vùng đồng bào DTTS trong những năm qua cũng bộc lộ không ít hạn chế, bất cập.
Chẳng hạn như công tác tuyên truyền có lúc có nơi chưa đổi mới, thiếu chiều sâu, hạn chế về tính phong phú, bất cập về tính phù hợp với các đối tượng. Trình độ, năng lực, kỹ năng của không ít cán bộ làm công tác tuyên truyền của Mặt trận, đoàn thể cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác tuyên truyền ở nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Ở không ít cơ sở, địa phương việc tổ chức tuyên truyền học tập Nghị quyết cho cán bộ đoàn viên, hội viên và nhân dân còn nhiều lúng túng trong triển khai….
Những hạn chế, bất cập nêu trên chủ yếu xuất phát từ những nguyên nhân như: Một số cấp ủy, chính quyền ở cơ sở chưa quan tâm đúng mức cho công tác tuyên truyền, còn chỉ đạo chung chung trong thực hiện. Cán bộ làm công tác tuyên truyền ít được tập huấn nâng cao khả năng chuyên môn; tài liệu tuyên truyền còn hạn chế, nội dung chưa đáp ứng cho các đối tượng cần được tuyên truyền. Thông tin còn “đóng khung”, không được mở rộng, phân tích, liên hệ thêm, vì vậy thiếu tính hấp dẫn đối với người nghe…
Muốn phát triển giáo dục một cách toàn diện đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, một trong những điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất là phải chú trọng đến phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội. Thực hiện tốt công tác dân tộc chính là để góp phần cải thiện về “chất” công tác giáo dục.
MỘT SỐ BÀI HỌC QUÝ
Quá trình triển khai thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc nói chung, về giáo dục đối với đồng bào DTTS, miền núi nói riêng từ thời kỳ đổi mới đến nay, có thể rút ra một số bài học thực tiễn gắn với bối cảnh, tình hình hiện nay là:
Thứ nhất, không ngừng quan tâm đổi mới, phát huy vai trò của công tác tuyên truyển nhằm thúc đẩy quyết tâm cao hơn nữa và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương để thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối về công tác dân tộc và phát triển giáo dục đã nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới”.
Tích cực triển khai thực hiện các nghị quyết, chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi; về giảm nghèo bền vững; về xây dựng nông thôn mới. Đồng thời tiếp tục thực hiện các chính sách còn hiệu lực, trong đó tập trung cao độ thực hiện thắng lợi các mục tiêu theo Nghị quyết số 88/2019/QH14, ngày 18/11/2019 của Quốc hội khóa XIV “Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030”.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách về phát triển kinh tế – xã hội vùng dân tộc và miền núi theo hướng toàn diện, bền vững. Đẩy mạnh việc đa dạng hóa và xã hội hóa các nguồn lực, trong đó nguồn lực nhà nước có vai trò quan trọng và quyết định trong huy động các nguồn lực khác. Đổi mới chính sách của Ngân hàng chính sách xã hội theo hướng tăng định mức và mở rộng đối tượng cho vay liên quan đến giáo dục – học tập, các dự án sản xuất, kinh doanh của đồng bào DTTS.
Chú trọng hơn nữa đến việc đầu tư và khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch, dịch vụ nhằm tạo sinh kế và công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho đồng bào các dân tộc. Đồng thời, khơi dậy tinh thần tự lực, ý chí học tập, khát vọng vượt khó vươn lên của đồng bào các DTTS trong phát triển kinh tế để làm giàu chính đáng, góp phần thúc đẩy phát triển giáo dục.
Thứ ba, tập trung ưu tiên nguồn lực trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo “Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”. Bảo đảm đến năm 2025 có 100% số xã có đường ôtô đến trung tâm được rải nhựa hoặc bêtông hóa; 70% thôn có đường ôtô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường lớp và trạm y tế được xây dựng kiên cố…
Tăng cường đầu tư đồng bộ hạ tầng viễn thông, năng lượng; đẩy mạnh dịch vụ phát thanh, truyền hình, công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu học tập, sản xuất và sinh hoạt của đồng bào.
Thứ tư, phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội gắn với nâng cao chất lượng GD-ĐT; hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở; đầu tư, phát triển hệ thống các trường dân tộc nội trú, bán trú và các trường dự bị đại học. Hỗ trợ về ăn, ở cho học sinh, sinh viên các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức và chính sách cử tuyển đối với con em đồng bào các DTTS, nhất là ở các khu vực đặc biệt khó khăn. Đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp đối với thanh niên các dân tộc sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng và dạy nghề.
Nâng cao tỷ lệ và chất lượng khám chữa bệnh cho đồng bào, nhất là tuyến cơ sở; đẩy mạnh đầu tư các dịch vụ y tế; phát triển y học dân tộc kết hợp với y học hiện đại; thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, tạo điều kiện cho đồng bào được khám chữa bệnh từ tuyến cơ sở đến tuyến Trung ương. Xây dựng và đẩy mạnh chiến lược nâng cao thể chất, tầm vóc của thanh, thiếu niên người DTTS.
Đẩy mạnh đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở phù hợp với văn hóa và tập quán của các dân tộc ở từng vùng, từng địa phương. Quan tâm sưu tầm, bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống. Kiên quyết xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu…
Thứ năm, củng cố, tăng cường xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, nhất là ở những vùng trọng điểm, vùng biên giới, vùng đặc biệt khó khăn. Chú trọng hơn nữa công tác bồi dưỡng, phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Đẩy mạnh việc quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, bố trí, sử dụng hợp lý cán bộ người dân tộc thiểu số trong thời kỳ mới theo quy định. Chú trọng phát hiện, quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và thực hiện tốt chính sách sử dụng, đãi ngộ cán bộ người DTTS.
Đổi mới tổ chức bộ máy, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Quan tâm hơn nữa tới cơ chế, chính sách biểu dương, tôn vinh con em đồng bào DTTS có thành tích trong dạy và học; những người có uy tín, già làng, trưởng bản có nhiều đóng góp cho công tác dân tộc.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân ở vùng DTTS và miền núi. Kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu cản trở chính sách phát triển giáo dục, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; không để xảy ra các “điểm nóng” phức tạp về an ninh, trật tự, nhất là các địa bàn chiến lược xung yếu…
Tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức chính phủ, phi chính phủ trên thế giới nhằm trao đổi kinh nghiệm, thu hút các nguồn lực để đầu tư cho phát triển giáo dục, chương trình, dự án, chuyển giao khoa học – kỹ thuật vùng đồng bào DTTS ./.
Nguồn cung cấp: Công an huyện Triệu Sơn