Các đại biểu tham dự quốc tế tham dự Diễn đàn
Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các quốc gia Đông Nam Á (SEAMEO) là tổ chức liên chính phủ khu vực được thành lập vào năm 1965 giữa các Quốc gia Đông Nam Á với mục đích thúc đẩy hợp tác khu vực trong giáo dục, khoa học và văn hóa. Hội đồng SEAMEO là cơ quan hoạch định chính sách cao nhất của tổ chức, thành viên bao gồm Bộ trưởng giáo dục của 11 nước Đông Nam Á. Trung tâm Khu vực về Học tập suốt đời của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các quốc gia Đông Nam Á (SEAMEO CELLL) được thành lập theo quyết định số 1561/QĐ-BGDĐT ngày 23/04/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam. Trung tâm SEAMEO CELLL chính thức được khu vực và quốc tế công nhận khi Bản thỏa thuận được ký giữa Chính phủ Việt Nam và SEAMEO vào ngày 20/3/2013 tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Giáo dục các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 47 (SEAMEC 47). Trung tâm được thành lập nhằm phục vụ cho nhu cầu thúc đẩy học tập suốt đời của khu vực, cung cấp cơ hội hợp tác về lĩnh vực học tập suốt đời giữa các quốc gia thành viên và thành viên liên kết của SEAMEO, hỗ trợ tăng cường mối quan hệ và hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà nghiên cứu, thực hành, và hoạch định chính sách của khu vực với tinh thần hợp tác và tôn trọng lẫn nhau. Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa là một đơn vị đối tác của SEAMEO CELLL trong việc thực hiện các hoạt động thúc đẩy học tập suốt đời.
Phiên thảo luận toàn thể
Diễn đàn lần này nhằm mục đích tập hợp các bên liên quan từ cả Hàn Quốc và Đông Nam Á để thúc đẩy hợp tác, chia sẻ các thực tiễn hiệu quả và phát triển các chiến lược nhằm thu hẹp khoảng cách kỹ năng trong giáo dục. Trọng tâm là tìm hiểu cách thức chuyển đổi kỹ thuật số có thể được tận dụng để nâng cao giáo dục cơ bản và đại học, đào tạo nghề (TVET) và giải quyết sự không phù hợp về kỹ năng giữa ngành giáo dục và các ngành công nghiệp.
Các đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn
Tại Diễn đàn Hiệu trưởng lần thứ 2 các bên liên quan đã nghiên cứu thực tế hiện trạng chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục ở Hàn Quốc và Đông Nam Á; xác định những thách thức và cơ hội trong việc thu hẹp khoảng cách kỹ năng giữa giáo dục và nhu cầu của ngành; thúc đẩy sự hợp tác và đối thoại giữa các nhà hoạch định chính sách, nhà giáo dục và lãnh đạo ngành; chia sẻ các thực tiễn hiệu quả và các mô hình thành công về TVET (Technical and Vocational Education and Training) và sáng kiến giáo dục kỹ thuật số; và phát triển các khuyến nghị khả thi về chính sách và thực tiễn nhằm tránh tình trạng không phù hợp về kỹ năng và tăng cường đào tạo nghề.
Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa ký kết biên bản ghi nhớ
với Hiệu trưởng Đại học Kyungwoon
Trong khuôn khổ Diễn đàn lần này, Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa và Đại học Kyungwoon, Hàn Quốc đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trên các lĩnh vực Đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, trong đó tập trung các nội dung:
- Trao đổi về sự hợp tác giữa các ngành công nghiệp và đại học; định hướng phát triển đào tạo ngành nghề theo nhu cầu sử dụng lao động tại địa phương Việt Nam và Hàn Quốc; trao đổi học sinh, sinh viên và chuyên gia.
- Nghiên cứu hợp tác trong lĩnh vực phát triển giáo dục và một số lĩnh vực khác; tổ chức các hội thảo trực tuyến, diễn đàn, hội nghị về các chuyên đề; phát triển nền tảng học tập trực tuyến, ngoại tuyến và chia sẻ nội dung.
Sự hợp tác giữa hai bên hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội mới về giáo dục cũng như các hoạt động giao lưu văn hóa trong tương lai. Lãnh đạo hai trường bày tỏ hy vọng với thiện chí và sự nỗ lực chung từ hai phía sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho học sinh, sinh viên của hai trường trong học tập, nghiên cứu và tìm kiếm cơ hội việc làm.
Một số hình ảnh về chuyến công tác, tham dự hội thảo